Kết cuộc Trận_Hohenfriedberg

Trận Hohenfriedberg kết thúc với thất bại toàn diện của liên quân Áo-Sachsen. Khác với phần lớn các trận đánh giữa Phổ và Áo trong thời kỳ 1740-1763 – khi quân đội Phổ thường chấp nhận thương vong lớn hơn địch để đạt được chiến thắng, quân liên minh chịu thiệt hại gấp gần 3 lần so với quân Phổ tại Hohenfriedberg.[2] Cụ thể hơn, tổn thất về nhân mạng của liên minh lên đến 14 nghìn người, bao gồm 9 nghìn người tử trận và 5 nghìn bị bắt làm tù binh. Trong số quân liên minh bị bắt sống có 5 sĩ quan cấp tướng. Đổi lại, tổng số quân Phổ chết, bị thương và mất tích chỉ lên đến 4751 người (trong đó khoảng 900 người thiệt mạng). Quân Phổ cũng phá hủy và tịch thu 66 cỗ đại bác của liên minh Áo-Sachsen.[4] Tuy nhiên, do phần lớn lực lượng Phổ đã thấm mệt và hệ thống hậu cần của họ còn nhiều thiếu sót, Friedrich không tổ chức truy kích và để yên cho bại binh Áo-Sachsen rút lui an toàn về Böhmen.[20][2]

Trong vài tuần tới, quân Phổ bỏ đói và đánh đập tù binh Sachsen rồi ép họ gia nhập quân đội Phổ. Sau một số tù binh trốn được về với quân nhà. Cuộc tàn sát tại Hohenfriedberg cùng với thái độ cư xử của người Phổ với tù binh Sachsen sau trận đánh đã dẫn tới sự căm thù lâu năm của người Sachsen đối với Phổ. Về sau, trong Chiến tranh Bảy năm (1756–1763), quân Sachsen ra trận hay hô hào trả thù cho trận này.[1][5]

Chiến thắng của Friedrich II tại Hohenfriedberg-Striegau là đề tài của Hành khúc Hohenfriedberg (Der Hohenfriedberger) – một bản quân nhạc nổi tiếng của quân đội Phổ-Đức trước năm 1945. Tương truyền chính Friedrich II đã sáng tác hành khúc này để tuyên dương công trạng của trung đoàn long kỵ Bayreuth trong trận đánh[21].[5]

Sau thảm bại Hohenfriedbeg, chính phủ Viên vẫn kiên quyết không chịu nhượng Schlesien cho Phổ. Maria Theresia và tuyển hầu tước Sachsen đã ra sức chấn chỉnh lực lượng để duy trì chiến tranh với Friedrich. Vương công Karl dẫn quân lui về Böhmen, dựng một tuyến phòng thủ từ lưng sông Adler tới thị trấn Königgrätz. Sau vài tuần án binh bất động, Friedrich khởi binh đánh Böhmen. Quân Áo không ra đánh, chỉ dùng khinh kỵ binh đánh phá đường liên lạc của địch. Ngày 18 tháng 9 năm 1745, Friedrich bắt đầu rút quân về Schlesien, khi gần tới nơi Friedrich cho dừng quân vài ngày gần thị trấn Burkersdorf. Quân Phổ lơ là phòng bị vì nghĩ quân Áo chỉ dùng khinh kỵ quấy rối. Karl chớp thời cơ tổ chức đột kích vào sườn phải Phổ, mở ra trận Soor ngày 30 tháng 9. Tuy khởi đầu bất lợi nhưng tính kỷ luật vượt trội của quân đội Phổ đã biến trận đánh thành một thảm họa nữa cho Áo. Thiệt hại ở trận này lên tới 3.911 quân Phổ và 7.444 quân Áo. Quân Phổ tiếp tục lui, đến ngày 19 tháng 10 Friedrich về thủ đô Berlin.[22][5]

Tháng 11 năm 1745, vương công Karl họp 2 vạn quân Áo-Sachsen ở Oberlausitz (Sachsen), định đánh thọc vào vùng trung tâm Brandenburg của Phổ. Friedrich quyết định đánh phủ đầu, chia quân làm 2 cánh, cánh phía đông do Friedrich trực tiếp chỉ huy từ Schlesien cuốn sang Oberlausitz, cánh phía tây do thống chế Leopold I von Anhalt-Dessau chỉ huy từ Halle đánh bắc và trung bộ Sachsen. Friedrich vào Oberlausitz, đánh với quân của Karl trong các trận Katholisch-Hennersdorf và Görlitz (23-25 tháng 11 năm 1745). Karl tổn hao 5 vạn quân, lại phải chạy về Böhmen, nhưng vẫn đủ sức chi viện 6 nghìn quân Áo cho quân chủ lực của Sachsen vốn đang bị Leopold uy hiếp. [23] Leopold vào Sachsen, phá 2,5 vạn quân Sachsen và 6 nghìn quân Áo trong trận Kesselsdorf đẫm máu. Đến đây Maria Theresia mới chấp nhận thất bại. Giáng sinh năm 1745, phe Áo-Sachsen ký hòa ước Dresden trao Schlesien cho Phổ; đáp lại Friedrich chịu tôn phò chồng Theresia là Franz Stefan làm hoàng đế La-Đức.[4] [23][5]